Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

Nợ xấu của nhiều ngân hàng trong quý 1/2012


Habubank - Lướt qua báo cáo tài chính quý 1/2012 của một số ngân hàng, có một hiện tượng khiến nhiều người không thể không lưu tâm: trong khi dư nợ cho vay sụt giảm, nợ xấu của nhiều ngân hàng đang tăng nhanh. Điều này xảy ra không chỉ ở những nhà băng nhỏ, mà ở ngay cả những ngân hàng lớn, đặc biệt là các ngân hàng thương mại quốc doanh.

Trong bản cáo cáo tài chính riêng lẻ giữa niên độ đề ngày 20/4/2012 của ngân hàng TMCP Ngoại Thương (Vietcombank), bên cạnh con số lợi nhuận trước thuế giảm 112 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái (chỉ đạt 1662,85 tỷ đồng) thì một chỉ tiêu khác khiến nhiều người không khỏi băn khoăn là dư nợ và nợ xấu.

Trong khi tổng dư nợ cho vay khách hàng giảm 1.195 tỷ đồng, từ 208.085 tỷ đồng xuống 206.890 tỷ đồng, thì số nợ bị phân loại từ nhóm 3 đến nhóm 5 của VCB lại tăng mạnh. Tính đến ngày 31/3/2012, tổng nợ xấu của nhà băng này lên tới 5.873,4 tỷ đồng, tăng 40,69% so với thời điểm 31/12/2011.

Diễn biến này khiến tỉ lệ nợ xấu của họ tăng từ khoảng 2% hồi đầu năm lên 2,84%. Đây sẽ là thách thức cho Vietcombank trong việc kiểm soát tỉ lệ nợ xấu dưới 2,8% vào cuối năm như phát biểu mới đây của TGĐ Nguyễn Phước Thanh.


Dù vậy so về tốc độ tăng nợ xấu thì VCB vẫn còn còn thua xa ngân hàng TMCP Công Thương (Vietinbank). Số liệu trong bản báo cáo tài chính riêng lẻ quý 1 của Vietinbank cho thấy, tổng số nợ xấu của ngân hàng này đã tăng tới 139%, tức là hơn gấp đôi, từ 2.165 tỷ đồng cuối năm 2011 lên 5.176,7 tỷ đồng chỉ sau 3 tháng.

Tăng mạnh nhất là các khoản nợ nhóm 4, từ hơn 200 tỷ lên 817 tỷ đồng, và nợ nhóm 3, từ 1.053 tỷ lên 3.358,5 tỷ đồng. Hệ quả tất yếu của sự sụt giảm chất lượng các khoản cho vay của nhà băng này là số tiền trích lập dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tăng từ 2.994 tỷ đồng cuối năm trước lên 3.738 tỷ đồng.

Ở khối ngân hàng TMCP tư nhân, dù số lượng nợ xấu ít hơn nhưng cũng không nằm ngoài xu hướng tăng lên. Ngân hàng Á Châu (ACB), một trong những nhà băng có tỉ lệ nợ xấu trong năm 2011 ở mức thấp thì sau 3 tháng đầu năm cũng đã ghi nhận sự sụt giảm khá mạnh chất lượng các khoản cho vay khách hàng.

Cụ thể, theo thuyết minh báo cáo tài chính giữa niên độ đề ngày 20/4/2012, tổng dự nơ cho vay khách hàng của nhà băng này chỉ tăng chưa tới 1,8% nhưng nợ xấu lại tăng tới 38,8%, từ 873,4 tỷ đồng của cuối năm 2011, lên 1.212,5 tỷ đồng. Tại Đại hội cổ đông ngày 30/3 mới đây của ACB, TGĐ Lý Xuân Hải cho biết khoảng 60% nợ xấu của ngân hàng có liên quan đến bất động sản.

Tình hình nợ xấu tăng cũng được ghi nhận ở một số ngân hàng khác như Eximbank (tăng 14,5%, từ 1.202,9 tỷ đồng lên 1.377,2 tỷ đồng) và SHB (tăng 18,17%, lên 769,8 tỷ đồng). Trong đó đáng chú ý là dù dư nợ giảm tới hơn 5.000 tỷ đồng so với đầu năm nhưng nhà tài trợ chính cho V-League lại ghi nhận thêm hơn 174 tỷ đồng nợ xấu.

Trên đây mới chỉ là số liệu nợ xấu của 5 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 1. Trước đó cả 5 đơn vị này đều được NHNN xếp nhóm 1 về tăng trưởng tín dụng, nghĩa là những ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh, khả năng quản trị tốt và được cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 17%. Vậy ở 5-6 ngân hàng bị xếp nhóm 4 và các ngân hàng ở những nhóm khác tình hình nợ xấu thực tế còn…xấu đến đâu? Đây sẽ câu hỏi được nhiều người quan tâm khi tái cơ cấu ngành tài chính ngân hàng đang là vấn đề thời sự

Theo Dân trí

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Việc giảm lãi nợ xấu của ngân hàng nhà nước


Habubank- Ngày 24/4/2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có văn bản số 2506/NHNN-CSTT gửi các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp về hoạt động tín dụng.

Theo đó, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp về hoạt động tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hộ dân từng bước phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện một số nội dung.

Thứ nhất, các tổ chức tín dụng chủ động phối hợp với khách hàng vay trong việc rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vay để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay trong việc trả nợ vốn vay phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh, thời hạn thu hồi vốn của dự án, phương án vay vốn, khả năng trả nợ của khách hàng.

Trên cơ sở kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vay và khả năng tài chính của mình, tổ chức tín dụng thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng vay không có khả năng trả nợ đúng hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng theo quy định tại Quyết định số 783/2005/QĐ-NHNN ngày 31/5/2005.

>> Thế nào là nợ xấu?

Cụ thể, khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc và/hoặc lãi vốn vay trong phạm vi thời hạn cho vay đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng và tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng trả nợ trong các kỳ hạn tiếp theo thì tổ chức tín dụng xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi vốn vay; khách hàng không có có khả năng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi vốn vay đúng thời hạn cho vay đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng và được đánh giá là có khả năng trả nợ trong một khoảng thời gian nhất định sau thời hạn cho vay thì tổ chức tín dụng xem xét cho gia hạn nợ với thời hạn phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng.

Các tổ chức tín dụng thực hiện việc phân loại nợ đối với các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Quyết định số 780/QĐ-NHNN ngày 23/4/2012 về việc phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ.

Thứ hai, Thống đốc cũng yêu cầu, trên cơ sở khả năng tài chính và chính sách khách hàng của mình, tổ chức tín dụng xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các hợp đồng tín dụng xuống theo mức lãi suất cho vay hiện hành, nhất là đối với các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng xem xét miễn, giảm lãi phải trả đối với khách hàng bị tổn thất về tài sản dẫn đến khó khăn về tài chính theo quy định tại quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 và trên cơ sở khả năng tài chính, quy chế miễn, giảm lãi của tổ chức tín dụng.