Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

Nợ xấu của nhiều ngân hàng trong quý 1/2012


Habubank - Lướt qua báo cáo tài chính quý 1/2012 của một số ngân hàng, có một hiện tượng khiến nhiều người không thể không lưu tâm: trong khi dư nợ cho vay sụt giảm, nợ xấu của nhiều ngân hàng đang tăng nhanh. Điều này xảy ra không chỉ ở những nhà băng nhỏ, mà ở ngay cả những ngân hàng lớn, đặc biệt là các ngân hàng thương mại quốc doanh.

Trong bản cáo cáo tài chính riêng lẻ giữa niên độ đề ngày 20/4/2012 của ngân hàng TMCP Ngoại Thương (Vietcombank), bên cạnh con số lợi nhuận trước thuế giảm 112 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái (chỉ đạt 1662,85 tỷ đồng) thì một chỉ tiêu khác khiến nhiều người không khỏi băn khoăn là dư nợ và nợ xấu.

Trong khi tổng dư nợ cho vay khách hàng giảm 1.195 tỷ đồng, từ 208.085 tỷ đồng xuống 206.890 tỷ đồng, thì số nợ bị phân loại từ nhóm 3 đến nhóm 5 của VCB lại tăng mạnh. Tính đến ngày 31/3/2012, tổng nợ xấu của nhà băng này lên tới 5.873,4 tỷ đồng, tăng 40,69% so với thời điểm 31/12/2011.

Diễn biến này khiến tỉ lệ nợ xấu của họ tăng từ khoảng 2% hồi đầu năm lên 2,84%. Đây sẽ là thách thức cho Vietcombank trong việc kiểm soát tỉ lệ nợ xấu dưới 2,8% vào cuối năm như phát biểu mới đây của TGĐ Nguyễn Phước Thanh.


Dù vậy so về tốc độ tăng nợ xấu thì VCB vẫn còn còn thua xa ngân hàng TMCP Công Thương (Vietinbank). Số liệu trong bản báo cáo tài chính riêng lẻ quý 1 của Vietinbank cho thấy, tổng số nợ xấu của ngân hàng này đã tăng tới 139%, tức là hơn gấp đôi, từ 2.165 tỷ đồng cuối năm 2011 lên 5.176,7 tỷ đồng chỉ sau 3 tháng.

Tăng mạnh nhất là các khoản nợ nhóm 4, từ hơn 200 tỷ lên 817 tỷ đồng, và nợ nhóm 3, từ 1.053 tỷ lên 3.358,5 tỷ đồng. Hệ quả tất yếu của sự sụt giảm chất lượng các khoản cho vay của nhà băng này là số tiền trích lập dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tăng từ 2.994 tỷ đồng cuối năm trước lên 3.738 tỷ đồng.

Ở khối ngân hàng TMCP tư nhân, dù số lượng nợ xấu ít hơn nhưng cũng không nằm ngoài xu hướng tăng lên. Ngân hàng Á Châu (ACB), một trong những nhà băng có tỉ lệ nợ xấu trong năm 2011 ở mức thấp thì sau 3 tháng đầu năm cũng đã ghi nhận sự sụt giảm khá mạnh chất lượng các khoản cho vay khách hàng.

Cụ thể, theo thuyết minh báo cáo tài chính giữa niên độ đề ngày 20/4/2012, tổng dự nơ cho vay khách hàng của nhà băng này chỉ tăng chưa tới 1,8% nhưng nợ xấu lại tăng tới 38,8%, từ 873,4 tỷ đồng của cuối năm 2011, lên 1.212,5 tỷ đồng. Tại Đại hội cổ đông ngày 30/3 mới đây của ACB, TGĐ Lý Xuân Hải cho biết khoảng 60% nợ xấu của ngân hàng có liên quan đến bất động sản.

Tình hình nợ xấu tăng cũng được ghi nhận ở một số ngân hàng khác như Eximbank (tăng 14,5%, từ 1.202,9 tỷ đồng lên 1.377,2 tỷ đồng) và SHB (tăng 18,17%, lên 769,8 tỷ đồng). Trong đó đáng chú ý là dù dư nợ giảm tới hơn 5.000 tỷ đồng so với đầu năm nhưng nhà tài trợ chính cho V-League lại ghi nhận thêm hơn 174 tỷ đồng nợ xấu.

Trên đây mới chỉ là số liệu nợ xấu của 5 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 1. Trước đó cả 5 đơn vị này đều được NHNN xếp nhóm 1 về tăng trưởng tín dụng, nghĩa là những ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh, khả năng quản trị tốt và được cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 17%. Vậy ở 5-6 ngân hàng bị xếp nhóm 4 và các ngân hàng ở những nhóm khác tình hình nợ xấu thực tế còn…xấu đến đâu? Đây sẽ câu hỏi được nhiều người quan tâm khi tái cơ cấu ngành tài chính ngân hàng đang là vấn đề thời sự

Theo Dân trí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét